top of page

3 cấp độ phát triển sự nghiệp của Dev

Bạn là một sinh viên IT sắp sửa ra trường hoặc đã cầm tấm bằng trên tay và đang tự hỏi về tương lai của mình? Để giải quyết băn khoăn này, bài viết sẽ vạch ra các con đường phát triển sự nghiệp của developer. Nhằm giúp bạn hình dung bức tranh tương lai một cách rõ ràng hơn.

Đầu tiên, bạn cần biết, đối với một developer thì có 3 hướng chính để phát triển sự nghiệp của mình:

  • Fulltime Developer

  • Freelancer

  • Entrepreneur

Sau đây, tôi sẽ mô tả rõ hơn về 3 con đường phát triển sự nghiệp của một developer này.


1. Fulltime Developer


Đây là hướng đi mà khá nhiều developer lựa chọn cho sự nghiệp của mình. Họ ưu tiên chọn những công ty lớn, nhỏ hoặc vừa để làm lấy kinh nghiệm và ăn lương. Một số lựa chọn gắn bó lâu dài để tiến lên các cấp bậc, vị trí cao hơn trong nghề. Số khác, sẽ nhảy việc sang công ty khác hoặc đi theo hai hướng còn lại nếu cảm thấy môi trường làm việc hoặc lương bổng chưa phù hợp với họ. Và dù thế nào, thì việc làm ở công ty giai đoạn đầu trong sự nghiệp vẫn là một hướng đi an toàn nhằm giúp bạn làm quen với môi trường công nghệ hơn. Sau đây là các cấp bậc cụ thể bạn có thể đạt được ở công ty.


Các cấp bậc cụ thể của Full-time Dev

Các cấp bậc cụ thể của Full-time Dev


1.1. Junior Developer:


Junior Developer hay Fresher là những sinh viên vừa mới ra trường. Họ đang thực hiện quá trình thực tập tại công ty để nạp thêm kinh nghiệm làm việc. Sau khi hoàn thành các khóa học đại học, họ đã được trang bị các kiến thức nền về lập trình, cơ sở dữ liệu, ngôn ngữ lập trình, v.v. Ở công ty, họ sẽ được ứng dụng những lý thuyết đã học này vào thực tế.


Kinh nghiệm cho giai đoạn này:

  • Level này thường kéo dài trong khoảng 1 năm.

  • Khoan hãy nghĩ đến chính sách lương bổng.

  • Vì kinh nghiệm làm việc của bạn còn sơ khai. Vậy nên, môi trường làm việc tốt là yếu tố hàng đầu bạn nên cân nhắc để chọn công ty thực tập.

  • Không ngừng học code, ngôn ngữ lập trình và trau dồi một số kỹ năng nghề nghiệp mới.

Junior Developer
Junior Developer

1.2. Senior Developer:


Ở cấp bậc này, bạn đã sở hữu cho mình 1-3 năm kinh nghiệm dày dặn. Bạn có thể xử lý code cho những module phức tạp và tham gia những project công nghệ lớn nhỏ. Đây là giai đoạn thể hiện năng lực để có thể vươn lên những vị trí cao hơn sau này.


Tuy nhiên, công nghệ luôn có xu hướng phát triển rất nhanh. Do đó, bạn cần luôn giữ mình trong tâm thế học hỏi liên tục để cập nhật những công nghệ mới nhất.

Kinh nghiệm cho giai đoạn này:

  • Liên tục trau dồi những kỹ năng cứng và mềm để phát triển con đường sự nghiệp developer tốt hơn.

  • Tìm hiểu các loại hình công ty khác nhau để chọn ra loại hình phù hợp với bản thân (Product hoặc Outsourcing).


1.3. Lựa chọn hướng kỹ thuật:


Đây là hướng sự nghiệp mà bạn phải đảm nhận trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật của công ty. Ở mỗi cấp độ sẽ yêu cầu mức chuyên môn cũng như trách nhiệm khác nhau, tôi sẽ trình bày rõ ràng sau đây:

  • Technical Lead: Đây là vị trí có thể đạt được sau 3-5 năm làm việc, chịu trách nhiệm kỹ thuật cho toàn team. Yêu cầu của một Technical Lead là cần có kiến thức sâu rộng về công nghệ và hệ thống. Nhằm giúp đưa ra các quyết định như chọn công nghệ hay thiết kế hệ thống thế nào. Đặc biệt, ở một vài công ty, bạn có thể kiêm luôn vị trí Team Leader. Do đó, kỹ năng quản lí con người là một yếu tố quan trọng để vươn lên vị trí này.

  • Software Architect: Vị trí này có khả năng đạt được khi bạn có từ 10-20 năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, nó cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố bởi yêu cầu cao của công việc này. Bạn phải làm việc với nhiều bên như khách hàng, PM, Technical Lead. Điều này nhằm đảm bảo hiểu rõ về sản phẩm khách hàng cần từ những yêu cầu của họ đưa ra. Sau đó, tìm ra hướng giải quyết cho sản phẩm, hệ thống từ các cấp bậc khác trong công ty.

  • CTO: Đây là vị trí quản lí cấp cao về mảng kỹ thuật của công ty. Họ theo sát quy trình sản phẩm để tìm ra những công nghệ mới phù hợp và ứng dụng nó. Làm được điều này, CTO không chỉ có thế mạnh về code mà còn có khả năng quản lí con người để xây dựng một đội ngũ làm việc có năng lực.


1.4. Lựa chọn hướng quản lí:


Về hướng quản lí, bạn sẽ đảm nhận nhiệm vụ chính liên quan đến dự án ở mảng con người. Do vậy, nó đòi hỏi những kĩ năng sau:

  • Quản lí dự án: Lên kế hoạch, quản lí và giám sát kế hoạch nhằm cho thực hiện được những mục tiêu mà dự án đã đề ra.

  • Quản lí thời gian: Follow các dòng công việc nhằm thực hiện đúng tiến độ và ổn định nhất.

  • Quản lí con người: Dựa trên tiêu chí “đúng người đúng việc” để điều hướng công việc cũng như khối lượng công việc cho mỗi thành viên một cách hiệu quả. Từ trên những mục tiêu chung, bạn cần biết cách hướng những nỗ lực của mỗi thành viên vào dự án để đạt những mục tiêu đã đề ra đó.

  • Kỹ năng giao tiếp: Ở những vị trí quản lí, bạn không chỉ giao tiếp để tìm hiểu nhu cầu của khách hàng về sản phẩm mà còn giao tiếp với các members trong team để đôn thúc công việc hoặc tìm giải pháp cho một số vấn đề xảy ra.

Ba cấp bậc bạn sẽ được thăng cấp ở hướng quản lí này là:

  • Team Leader: Đây là một vị trí như bước đệm để bạn gặt hái được nhiều kinh nghiệm nhằm hướng đến một người quản lí chuyên nghiệp hơn. Bạn sẽ đảm nhận công việc đào tạo cũng như quản lí các thành viên trong một nhóm nhỏ.

  • PM: Đây là vị trí có nhiệm vụ lên kế hoạch, thực thi cũng như giám sát toàn dự án hoàn thành như mục tiêu và tiến độ đã đề ra.

  • CEO: Đây là vị trí quản lí cấp cao. Người giám đốc điều hành này có nhiệm vụ lên kế hoạch, tổ chức, giám sát ở cấp độ chiến lược cho tổ chức nhằm đạt được mục tiêu tài chính. Trong công ty, quyền quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra bởi CEO.


2. Freelancer


Ngược lại với Fulltime Developer, Freelancer là một người làm công việc tự do. Họ không cần đến công ty. Họ không chịu sự ràng buộc một số quy tắc công sở như ngày làm cố định 8 tiếng. Tính chất công việc của họ là những dự án thời vụ. Vậy nên, hướng công việc này đã mang lại một số ưu điểm nhất định cho developer như sau:

  • Có thể linh hoạt trong giờ giấc làm việc.

  • Chủ động trong việc xác định công việc mà không cần chịu ảnh hưởng, o ép của nhiều sếp.

  • Có thể nhận nhiều job để kiếm thêm thu nhập.

Freelance Developer

Freelance Developer


Tuy nhiên, cùng với ưu điểm, hình thức này cũng đưa ra những thách thức cho Freelance Developer, chẳng hạn:

  • Họ cần liên tục chủ động tìm kiếm nguồn công việc mới khi hoàn thành xong job hiện tại.

  • Cần có chuyên môn kỹ thuật cũng như kinh nghiệm vững vì khách hàng đòi hỏi những yêu cầu cao.

  • Cần kiên nhẫn để giải quyết tất cả đầu công việc chỉ thông qua online, làm việc từ xa.


Do đó, lời khuyên ở hình thức này với những tay chân ráo chân ướt như sinh viên mới ra trường thì vẫn nên theo làm công việc Fulltime. Rồi sau đó, khi đã quen code, biết những công nghệ mới, có cơ hội tham gia nhiều project làm đầy đặn profile của mình, bạn có chuyển nghĩ đến việc chuyển hướng sang con đường phát triển sự nghiệp Freelance Developer.


3. Entrepreneur


Entrepreneur có nghĩa là nhà doanh nghiệp hay doanh nhân. Khi kinh nghiệm cũng như tài chính vững vàng, bạn có thể làm chủ một doanh nghiệp cho riêng mình. Ở vai trò làm chủ, bạn sẽ đảm nhận tất cả các khâu từ việc phát triển sản phẩm, kinh doanh và phân phối sản phẩm đó đến khách hàng. Do vậy, khi lập công ty công nghệ, bạn không chỉ có năng lực chuyên môn về kỹ thuật mà còn cả về kinh tế. Con đường phát triển sự nghiệp của developer ở hướng này không hề đơn giản, nhưng là hướng bạn nên thử. Bạn có thể bắt đầu với start-up nhỏ và sau đó phát triển dần.


Entrepreneur

Entrepreneur

Kết luận


Hiển nhiên, đối với mỗi con đường phát triển sự nghiệp của developer, nó đều yêu cầu những kỹ năng đặc trưng để đáp ứng công việc đó. Vậy nên, quan trọng hơn cả là bạn cần dựa vào năng lực cũng như đam mê của mình để lựa chọn một hướng đi phù hợp nhất.

Nguồn: tổng hợp

Hình ảnh: tổng hợp

-------------------------------

JT1 - IT Recruitment Agency

Email: hi@jt1.vn

Điện thoại: +8428 6675 6685

Xem thêm các bài viết khác tại: https://www.jt1.vn/blog

Theo dõi chúng tôi tại: https://www.facebook.com/jt1asia/

Job_link_banner.gif
bottom of page